Biết Tỏ Cùng Ai
Phan_7
Vũ Vi đáp, khiến Nhược Trần không chịu được quay sang ông Nghị.
– Đó cha thấy không, cô y tá này còn kiêm thêm nghề chõi nữa mà.
Ông Nghị cười.
– Đến giờ phút này con mới biết sao?
Vũ Vi ngồi xuống ghế, vòng tay ôm gối. Chiếc Pull màu đỏ và chiếc quần ống voi khiến nàng trẻ lạ.
Ngồi bên lò sưởi với những ánh lửa nhuộm hồng đôi má, Vi nói.
– Bây giờ tôi mới thấy tất cả giá trị của đồng tiền. Muốn hưởng thụ đều phải có sự hiện diện của nó. Muốn đọc một quyển sách hay muốn uống một tách trà ngon, muốn có một lò sưởi ấm và những giây phút thoải mái ấm cúng đều phải xài đến tiền, vì vậy sống trong xã hội hiện tại mà bảo là không ham danh lợi, bất cần giàu sang… thì đều là nói chuyện khoác lác.
Ông Nghị gật đầu:
– Cô nói đúng. Sống ở thời buổi này bất cứ một việc gì đều cần sự xông xáo của ta. Sự thành công thì bao giờ cũng khó khăn chứ chuyện thất bại thì không bao giờ ở xa ta cả. Con người thường sợ hãi hai chữ thất bại, nhưng không muốn dấn thân và lúc nào cũng ưa tìm lý do để biện minh cho sự thất bại của mình.
Nhược Trần ngồi bên lò sưởi, yên lặng, mắt chàng chớp nhanh với những ánh lửa hồng. Trong khi Vũ Vi chống tay lên cằm nhìn những ánh lửa màu xanh. Gian phòng lại chìm trong yên lặng. Mãi đến lúc bà Lý vào.
– Ông chủ, cậu ba và cô Vi không dùng điểm tâm à? Trời lạnh thế này để lâu một tí cơm nguội mất.
Vũ Vi nhảy nhỏm lên:
– À tôi quên chứ! hèn gì nãy giờ bụng đánh lô tô mãi.
Thái độ của Vi khiến ông Nghị cười xòa, ông nói nhỏ.
– Vẫn còn trẻ con thấy rõ.
Nhược Trần cũng thấy vui, chàng lên tiếng với bà Lý.
– Bà Lý ơi…
Chưa dứt câu thì bà Lý đã cắt ngang.
– Được rồi cậu khỏi lo, món trứng rán đậu phụ tôi đã làm xong, đang đợi cậu trên bàn đấy.
Nhược Trần đưa tay vò đầu:
– Lạ thật, mấy năm qua không có bà, không biết làm sao tôi sống nổi đến bây giờ.
Mọi người cùng ngồi xuống bàn ăn. Cháo trắng thật nóng, món cải xào với thịt thật thơm, ngoài ra còn trứng rán đậu phụ, thịt chà bông khiến bữa điểm tâm trở nên thịnh soạn. Mọi người bắt đầu dùng bữa, họ vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
Nhược Trần lên tiếng:
– Về đây con thấy tủ sách của con bị ai quấy rầy thì phải.
Ông Nghị gật gù:
– Còn ai vào đây, cái cô y tá kỳ quặc này, ngoài những giờ chăm sóc cho cha, gần như cô ấy để hết thì giờ còn lại vào những cuốn sách của con ấy.
– Thế à?
Nhược Trần ngạc nhiên quay sang Vi.
– Tôi đâu có ngờ cô cũng yêu sách như vậy, cô thấy tủ sách tôi thế nào?
Vũ Vi thành thật.
– Một kho tàng đúng nghĩa. Trong vườn mưa gió này tôi thấy cái gì cũng đáng giá hết, chỉ có những kẻ điên mới chịu lìa bỏ nó để đi hoang thôi!
Nhược Trần kêu lên.
– Trời ơi, cha xem, cô y tá lạ lùng của cha lại chửi xiên chửi xỏ con nữa kìa.
Ông Nghị cười thỏa mãn.
– Ai bảo cậu bỏ đi làm tên điên làm gì?
Nhược Trần giả vờ hối hận.
– Thôi mà tha cho con đi, da mặt con mỏng lắm con không chịu nổi đâu, nếu cứ trêu mãi con phải nhờ đến ông Lý bây giờ.
Vũ Vi ngạc nhiên.
– Gọi ông Lý chi vậy?
– Để ông ấy đi lấy xuổng cuốc.
– Lấy xuổng cuốc làm gì?
– Đào lỗ.
– Đào lỗ làm chi?
– Để tôi chui xuống trốn chứ.
Lời của Nhược Trần khiến Vũ Vi không nín được cười, cháo nóng vừa lọt qua miệng đã chui nhanh qua khí quản khiến nàng sặc sụa.
Ông Nghị lắc đầu nói với con trai.
– Cậu vẫn chưa chừa được tật nghịch.
Nhược Trần kéo gân cổ cãi.
– Đó là tại nhiễm sắc chất đấy chứ bố.
– Nghĩa là sao?
Nhược Trần nhún vai.
– Nhiễm sắc chất là phần tử đi truyền nòi giống của con người.
Vũ Vi vừa nín được lại cười to, ông Nghị cũng bị truyền nhiễm. Cả gian phòng ăn bây giờ không còn lạnh như ban nãy, nói tràn ngập tiếng cười nói và hơi ấm của một gia đình.
Giữa niềm vui hạnh phúc đó thì chợt có tiếng chuông cửa, rồi tiếp đấy là tiếng cổng mở, một hồi còi dài xe hơi kéo vang. Hình như có một hay hai chiếc chạy vào. Vừa nghe tiếng còi xe ông Nghị ngưng cười ngay, mặt biến sắc, ông buông đũa xuống nhìn Vũ Vi.
– Hôm nay thứ mấy?
– Thứ bảy.
– Trời hại rồi.
Ông Nghị vỗ tay lên trán…
– Không lẽ những ngày viếng thăm định kỳ của chúng không thể bỏ qua cho tôi được sao?
Nhược Trần nhìn Vũ Vi ngần ngại.
– Tiếng còi xe đó của…
– Vâng, Vũ Vi gật đầu.- Hai ông anh, hai bà chị dâu và lũ cháu của anh đấy.
– Rõ khỉ!
Nhược Trần bực dọc, khuôn mặt chàng cũng đổi sắc ngay. Không khí vui nhộn của gian phòng ban nãy đột ngột biến mất, thay vào đó là sự yên lặng. Một sự yên lặng nặng nề như chờ đón.
Cánh cửa lớn xịch mở, một đám người ùa vào với tiếng chu chéo của Tứ Văn.
– Trời ơi! Cha khỏe chứ? Chúng con đến mừng cha đây… Ông Lý đâu rồi, bế cô Vân Vân xuống coi, còn ông Triệu nữa, ông đứng chết đó làm gì, mau mang quà vào nhà xem… Ê này… Khởi Khởi, đừng trèo lên hồ… té chết bây giờ… ối giời ơi, Mỹ Kỳ đâu, cô không coi Võ Võ con cô, nó nắm tóc bé Vân Vân nhà tôi kìa…
– Trời ơi trời!
Ông Nghị kêu lên, ông ngã người xuống ghế Salon xong quay sang Vũ Vi:
– Cô thấy không tôi hạnh phúc quá phải không? Con cháu đầy đàn… Khổ thật… Cô làm ơn kiếm cho tôi một ít thuốc an thần đi, hôm nay mà chẳng có thuốc chắc tôi phải chết mất!
Chương 11
Giọng nói chát chúa của Tứ Văn chưa dứt thì một đám người đã vào phòng khách, bà Lý nhìn thấy Khởi Khởi sủi đôi giày lấm bùn lên thảm trắng đã lộ vẻ bất bình ngay, Thúy Liên thì tìm cớ lánh ngay không muốn để cho những người không phải chủ nhân lên mặt chủ sai bảọ Trong khi ông Nghị ngồi yên trong ghế (Salon). Nhược Trần đã dùng xong điểm tâm (thật ra chàng đã không ăn gì cả) đứng tựa lưng gần lò sưởi, tay cầm ly rượu lặng lẽ ngắm đám đông vừa mới vào. Gương mặt chàng như bao phủ một lớp sa mù nhạt. Vũ Vi ngỡ ngàng không biết mình nên đứng lại hay bỏ đi.
Tứ Văn thấy hỏa lò đang rực lửa kêu lên:
– Trời ơi, đốt lửa rồi à? Thế là tuyệt, cha hay thật, biết hưởng thụ…
Vừa nói tới đây mắt cô ta chạm ngay mắt Nhược Trần, như vừa khám phá ra một ngạc nhiên lớn, Tứ Văn lắp bắp.
– Ơ! sao lại…
Rồi quay ra sau.
– Anh Bồi Trung ơi, nhìn dùm xem… đây là ai nè?
Nhược Trần rời bức tường, chậm rãi bước tới.
– Ngạc nhiên lắm à? Đâu có phải người chết mới hiện hồn về đâu?
– À cậu Trần. Bồi Trung là người bình tĩnh nhất, hắn giả vờ kêu lên:
– Cậu về từ bao giờ thế?
– Hôm qua.
Nhược Trần đáp cụt ngủn. Bồi Hoa lộ vẻ bất bình ngay.
– Đúng rồi, đây là lúc tốt nhất để cậu trở về.
– Thế à?
Nhược Trần lạnh lùng:
– Lúc này thấy anh có vẻ mập đấy. Cái mập của những tên nhà giàu rửng mỡ.
– Cậu nói gì?
Bồi Hoa mất bình tĩnh ngay.
– Tôi đâu có bỏ đi lang thang thất tình như cậu đâu mà phải ốm chứ.
– Thôi đủ rồi.
Ông Nghị đứng phắt dậy, nhìn Bồi Trung và Bồi Hoa.
– Chúng bây đến đây để thăm tao hay là để cãi lộn với Nhược Trần chứ?
– Cứ để anh ấy nói cha!
Nhược Trần ra vẻ bình thản đón nhận nhưng những mạch máu ở hai bên thái dương chàng lại càng lúc càng đập nhanh.
– Tôi có lời mừng cho anh đấy Bồi Hoa, lúc nầy giàu rồi chứ?
– Dù sao tôi cũng khá hơn cậu.
Bồi Hoa trề môi, Nhược Trần nhún vai.
– Còn anh Bồi Trung chắc cũng khá lắm?
– Cám ơn cậu tôi cũng không đến nỗi nào.
Nhược Trần bước đến cạnh ông Nghị.
– Vậy thì, cha cũng nên hãnh diện khi thấy mình có hai đứa con, đứa nào cũng nên người, cũng có gia đình hạnh phúc toàn vẹn, cha có được hai đứa con nên người thì phải có một thằng hư đốn, lêu lỏng như con để giảm bớt niềm vui chớ. Nhưng cha có bực không? Cha sẽ xử trí như thế nào đối với một thằng con chẳng nên người như con chứ?
Ông Nghị nhín thẳng vào mắt Trần, thái độ ông thay đổi đột ngột.
– Con đã đưa cha vào thế kẹt… Để ta xem nào… Phải rồi, đối với những đứa hư đốn như ngươi thì ta chỉ còn cách… giữ lại bên cạnh, từ từ dạy dỗ, cảm hóa…
– Còn những đứa con nên người xứng đáng của cha?
Nhược Trần hỏi.
– À, à…
Ông Nghị nhún vai một chút:
– Nó đã nên người thì nó có thể tự sống được rồi, cần gì đến ta dạy dỗ nuôi nấng.
– Trời ơi!
Tứ Văn la lên, cô nàng không hiểu ông Nghị và Nhược Trần đang pha trò:
– Con ngoan chẳng nuôi, đi nuôi con hư à?
Chỉ có Bồi Trung lanh trí, hét vợ
– Tứ Văn, em có im mồm không, đồ ngu!
Tứ Văn hổ thẹn trước đám đông, quay sang chồng.
– Ồ, sao anh lại mắng em? Em có lầm lỗi gì đâu mà anh lại nói em ngu chứ? Ngu mà sinh con cái cho anh à, phải mà bây giờ con nầy già rồi, nên anh mới chê, anh mới chửi mắng đừng tưởng những hành động lén lút bên ngoài của anh với mấy con quỷ cái kia qua mặt được em…
– Nín!
Bồi Trung giận dữ quát!
– Đồ ngu! Bộ anh đưa em đến đây để cãi lộn sao chứ?
– Trời ơi!
Tứ Văn kêu lên như gà bị cắt tiết:
– Anh muốn giết em hả, cứ giết đi!
Mỹ Kỳ với giọng thật chua coan thiệp.
– Chị Tứ Văn, đừng nên làm ồn không lẽ chị không hiểu người ta định đẩy mình ra cửa sao?
Bấy giờ Tứ Văn mới hiểu ra, ngượng ngùng một chút rồi cũng “mở máy”.
– Tại sao chứ? Không lẽ con cái chúng ta đều là con hoaang chứ không phải con của giòng máu họ Định sao?
– Tứ Văn.
Gương mặt Bồi Trung đanh lại, hắn trừng mắt nhìn vợ:
– Cô đừng ăn nói hồ đồ như vậy, coi chừng tôi đấy!
Tứ Văn có vẻ khủng khiếp trước những lời hăm dọa của chồng, cô nàng đỏ mặt tía tai im lặng. Mỹ Kỳ thừa dịp chen vô một câu.
– Có lẽ con cháu chúng ta thuộc loại vô lại vì ông cha chúng nó có quá khứ mờ ám không chừng!
– Mỹ Kỳ!
Ông Nghị giận dữ bước tới mặt con dâu.
– Cô nói gì, giải thích tôi nghe xem?
Mỹ Kỳ không chịu thua.
– Tôi đâu có dám nói gì đâu, ngay cả anh Bồi Trung và Bồi Hoa cũng không có quyền nói thì phận dâu con chúng tôi làm gì dám lắm mồm chứ?
Ông Nghị thẳng tay.
– Được rồi, nếu cô thấy cô không có quyền nói thì làm ơn im cái mồm lại đi.
Bồi Hoa bước tới đỡ vợ
– Thưa cha, trong đầu óc cha bây giờ chỉ có thằng Trần thôi chứ chẳng có chúng con phải không?
Ông Nghị giận dữ:
– Ai nói thế? Tại sao tụi bây không nghĩ lại xem bổn phận của chúng bây có tròn chưa? Mỗi lần đến vườn mưa gió là trời đất muốn nổ tung cả lên. Tụi bây cứ đến đây mãi chắc tao chỉ tổ chết sớm thôi.
– Vậy thì…
Bồi Hoa kên tiếng:
– Nếu chúng con đên đây chẳng được cha ưa thích thì chúng con về, nhưng trước khi về con có mấy câu muốn nói.
Bồi Hoa quay sang Nhược Trần gật gù:
– Nhược Trần, cậu thắng rồi đấy nhé! Bỏ gia đình đi bốn năm cha ruột chẳng thèm đoái hoài đến, thế rồi bây giờ lại bò về. Tôi hiểu thâm ý cậu, cậu biết ông già không còn sống thêm được bao lâu nữa nên vội vã chạy về kiếm điểm… Được rồi, hà hà… Cậu tính toán khá lắm… Thế bây giờ biết trở về tại sao lúc xưa lại bầy đặt thề thốt chi vậy cậu? Tôi biết mà… làm sao cậu có thể bỏ qua cái gia tài này được chứ?
Gương mặt của Trần tái hẳn, mạch máu ở hai bên thái dương chàng đập nhanh, đặt cốc rượu lên nắp lò sưởi. Trần bước tới giữa lúc mọi người chưa biết chàng định làm gì thì một quả đấm đã vung lên, Bồi Hoa loạng choạng rồi ngã xuống đất, mang theo kỷ trà, bình nước hoa vỡ rổn rảng. Tứ Văn hét lên.
– Trời ơi nó định giết người, bớ người ta…
Bé Võ Võ đứng im lúc nãy bên cạnh thấy vậy khóc òa lên.
– Mẹ ơi cha chết rồi mẹ ơi!
Mỹ Kỳ trong cơn giận quay sang tát con.
– Khóc cái gì, đồ khốn nạn!
Thằng bé càng khóc to hơn. Nhược Trần không bỏ qua, xấn tới kéo Bồi Hoa đứng dậy, Bồi Hoa sợ bị đập thêm vội nói.
– Tao là người văn minh, tao không thích đánh lộn.
Nhược Trần đẩy Bồi Hoa về chỗ đứng cũ, trừng mắt.
– Tôi nói cho biết trước, nếu không nể mặt cha nãy giờ tôi đã đánh anh nát xương, liệu hồn đấy, nếu muốn sống thì cút ngay đi.
– Thôi được rồi!
Bồi Trung lên tiếng:
– Anh Bồi Hoa chúng minh về thôi, kẻ thức thời không phải là kẻ hèn, chúng ta về chứ để họ giết oan lắm!
Quay sang Nhược Trần, Trung vừa thụt lui vừa nói.
– Nhược Trần, cậu ngon lắm đấy. Ráng đi, ráng giữ gia tài này đi, biết đâu có lúc cậu trở thành tỷ phú, Cát Hà lại chẳng bỏ lão giám đốc già kia trở về với cậu? Nhưng tôi cho cậu biết, đừng cậy vào quả đấm mình quá, đời bây giờ có luật pháp đàng hoàng chứ phải rừng hoang đâu?
Rồi hắn lên tiếng gọi lũ con.
– Mấy đứa nhỏ đâu, lên xe, lên xe nhanh!
– Không.
Bé Khởi Khởi sáu tuổi tròn mắt không chịu.
– Con muốn ở đây xem đánh lộn cơ.
Không đợi cha phản ứng nó đã quay sang Nhược Trần hỏi.
– Ban nãy đòn chú vừa đánh là “không thủ đạo” phải không?
– Đồ quỷ có đi không?
Tứ Văn giận dữ xách tai Khởi Khởi kéo đi thằng bé khóc thét.
– Không, không để con gọi chú võ sĩ…
– Đập bể đầu bây giờ.
Tứ Văn vừa nói vừa đẩy Khởi Khởi ra cửa giữa tiếng hét la inh ỏi của đàn con.
Bồi Hoa xốc áo lại ngay ngắn, xong vừa lùi ra cửa vừa dọa.
– Nhược Trần món nợ hôm nay tao không quên đâu, rồi mày sẽ thấy.
Mỹ Kỳ một tay bế bé Võ Võ, một tay ngoa nguẩy bước ra cửa, vừa đi vừa nói:
– Mười thẳng con ngoại hôn là hết chín thằng hung dữ rồi, trách nó làm gì?
Rồi sau cùng họ cũng rút hết ra khỏi phòng tiếng còi xe rền vang như một sự trút giận cuối cùng, rồi khu vườn mưa gió lại trở về với sự yên lặng cũ.
Căn phòng chìm trong không khí chết. Khuôn mặt của những người còn lại vẫn xanh, hình như cơn giận dữ vẫn còn lảng vảng đâu đây. Bà Lý yên lặng thu dọn nhữg món đổ nát. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Nhược Trần vẫn đứng bất động cạnh là sưởi.
Không khí yên lặng thật khó chịu. Vũ Vi có cảm tưởng như muốn nghẹt thở, nàng đánh bạo tính bước tới nói vài câu xoa dịu, thì đột nhiên Nhược Trần quay lại.
Gương mặt tái xanh của chàng đã thay đổi, đôi mắt ngầu đỏ lên vì những tia máu nhỏ, Trần bước tới quì bên chân ông Nghị
– Cha, cha không có quyền chết cha phải sống, phải sống luôn với con! Con van cha!
Ông Nghị yên lặng đưa tay vuốt tóc Trần, những giọt nước mắt từ từ lăn xuống má.
– Sống chết có số cả con ạ, cha không biết cha còn sống đến bao giờ, có điều là con hãy thương cha, hãy giúp cha ngoi lên, đừng để cho người ta lầm tưởng là gia đình họ Định không có lấy một thằng con nên người.
– Nhưng cha có nghe Bồi Hoa và Bồi Trung nói không chứ. Con làm sao còn mặt mũi ở đây được?
– Đừng ngu con.
Ông Nghị nhìn thẳng vào mắt Trần:
– Nếu con bỏ đi là con đã trúng kế họ. Con nên nhớ rằng dù sao cũng còn có cha, nếu con không giúp được cha ngoi đầu lên thì dù cha có sống cũng như đã chết và ngược lại.
Nhược Trần ngẩng đầu lên chua xót nhìn cha, rồi như không chịu nổi nỗi đau, chàng úp mặt vào lòng gối ông Nghị nức nở.
– Thế cha bảo con phải làm gì bây giờ?
Ông Nghị vuốt tóc con.
– Có con ở cạnh cha sung sướng lắm rồi. Ta đã xa nhau mấy năm rồi phải không con? Có con cha lúc nào cũng có cảm giác như có mẹ con bên cạnh. Mẹ con là người đàn bà dễ thương nhất đời nầy. Cha vẫn thường tự hỏi, liệu đến ngày cha nhắm mắt, có còn thấy con một lần cuối không. Bây giờ con đã trở về ta còn mơ ước gì hơn. Đời cha hạnh phúc lắm. Trần, cha biết con là đứa con có hiếu cha biết con không bao giờ để hai ông anh hư đốn của con dẫm nát phần xương cốt còn lại của cha. Nhược Trần, con có nghe ta nói gì không? Con hãy cố gắng, phải can đảm.
Nhược Trần ngẩng đầu lên, nước mắt vẫn còn dẫy đầy trên mặt nhưng vẻ sung sướng trộn lẫn kiêu hãnh đã hiện lên trong mắt.
– Vâng, cha cứ yên tâm, con tuy hư đốn, ương ngạnh nhưng sẽ không bao giờ là kẻ đào ngũ trước mũi giáo của giặc.
– Cha biết, cha biết rõ con lắm!
Ông Nghị nói Vũ Vi đứng cạnh nghe muốn chảy nước mắt. Không hiểu sao từ ngày bước vào vườn mưa gió đến nay, nàng lại trở nên yếu đuối như vậy.
Nàng bước tới trước mặt, cha con chủ nhân khu vườn, nói với ông Nghị.
– Thôi đừng xúc cảm quá ông ạ, bây giờ đã đến giờ ông chủ phải dùng thuốc và nghỉ ngơi một lúc.
Ông Nghị ngẩng đầu lên nhìn Vi rồi cười lớn.
– Phải rồi, cô Vi đây sẽ giúp cha sống lâu được đấy.
Ông đứng dậy loạng choạng định lên lầu. Vũ Vi bước tới dìu ông, nàng chợt khám phá ra một điều. Ông Nghị đã ốm đi nhiều. Nghề nghiệp đã cho nàng biết như vậy. Thế này thì bổn phận ta chắc không còn bao lâu nữa.
Sau khi ông Nghị dùng thuốc xong, Vi để ông nằm yên trên giường và vừa định bước ra ngoài thì chợt nghe tiếng gọi trở lại của ông Nghị.
– Vũ Vi!
– Dạ.
Ông Nghị chăm chú quan sát nàng.
– Cô là một y tá tận tâm, cũng là một đứa con gái dễ thương. Tôi muốn nói, tôi rất cám ơn cô!
– Không có chi cả ông ạ, đó chẳng qua chỉ là bổn phận của tôi thôi.
– Không hẳn thế.
Ông Nghị lắc đầu.
– Tôi muốn nói tôi cảm ơn cô ở đây là vì cô đã mang Nhược Trần về đây cho tôi. Tôi cảm ơn cô rất nhiều.
– Vâng.
– Thôi được rồi cô muốn đi đâu cứ đi, bây giờ tôi buồn ngủ quá.
Vũ Vi bước ra, khép cửa lại rồi mới bước xuống lầu. Định Nhược Trần vẫn còn nằm dài trên ghế, trước mặt chàng là một chai rượu đã vơi quá nửa và cốc rược đã cạn. Cơn giận vô cớ đột ngột đến. Vi bước tới chụp lấy chai rượu và cốc, nàng nói như hét.
– Không lẽ rượu là cách duy nhất để anh cố gắng đấy sao?
Nhược Trần mở mắt ngạc nhiên nhìn Vi, chàng chưa kịp lên tiếng thì Vi đã bồi tiếp.
– Anh không có quyền trốn tránh, anh Trần ạ. Lúc nãy anh đã hứa với cha anh, anh hứa không là tên đào ngũ. Thế thì, tại sao anh không đứng dậy? Đúng thẳng lưng lên để làm việc cho cha anh? Anh có biết là ông ấy sẽ không còn sống thêm được bao lâu nữa không?
Nhược Trần chằm chằm nhìn Vi, chàng có việc xúc động.
– Vâng, cô cứ mang rượu đi nơi khác, và nhớ thức tỉnh tôi mãi nhé, vị nữ chúa đáng quý!
Chương 12
Những ngày kế tiếp là những ngày trầm lặng. Bồi Trung, Bồi Hoa không có đến vườn mưa gió quấy rầy nữa. Ông Nghị trở lại đời sống yên ổn và hạnh phúc.
Thời tiết dù càng lúc càng lạnh, nhưng ông Nghị càng ngày càng có vẻ khỏe hơn. Bác sĩ Hoàng hàng tuần vẫn đến thăm mạch cho ông Nghị, ông tuyên bố bệnh ông Nghị đang đi vào khoảng thời gian yên nghỉ không bành trướng, nói thế không có nghĩa là cơn bệnh giảm bớt mà có nghĩa bệnh không nặng thêm thôi. Đấy cũng là một thứ tin vui. Vũ Vi và Nhược Trần đều sung sướng, họ cũng thầm mong biết đâu với sự ngủ yên của cơn bệnh, thời gian chẳng có sự khám phá mới mẻ của y học và ông Nghị biết đâu chẳng được chữa lành?
Nhược Trần bắt đầu tới hãng dệt làm việc, Vũ Vi biết, chàng đi làm không phải vì ưa thích công việc mà chẳng qua chỉ để làm vui lòng ông Nghị thôi.
Nhưng một hôm, giữa lúc Vi và cha con ông Nghị cùng ngồi sưởi trong phòng khách, Vi còn nhớ hôm ấy nàng mặc bộ áo màu cam, thì đột nhiên Nhược Trần chồm tới với cây bút và mảnh giấy trên tay, chân dung nàng được phát họa trên giấy. Trần vẽ xong lại sửa. Sau cùng đưa cho Vũ Vi hỏi.
– Sao có giống cô không?
Vũ Vi ngắm tranh, nàng thấy có gì đổi khác trên bộ áo người trong tranh. Phải rồi kiểu áo đã đổi khác với chiếc thắt lưng tơ.
– Đẹp lắm, đẹp hơn cả người thật, anh có hoa tay lắm, học họa đi.
– Không được, học họa bây giờ thì đã muộn quá.
Nhược Trần đáp.
– Tôi phải chọn môn kiến trúc hay trang trí có vẻ thích hợp hơn.
Ông Nghị lên tiếng.
– Đâu đưa bức họa tôi xem.
Vũ Vi đưa qua, ông Nghị ngắm bức tranh với tất cả thích thú ngắm xong, ông xếp lại bỏ túi.
– Cho tôi bức hình này nhé!
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian